Hà Giang, đây là nơi tuyệt vời
Nơi mà mỗi người luôn háo hức tìm đến
Nơi đây có những con đèo, con dốc
Và những người bạn đồng hành trên hành trình chinh phục bản thân
Hội xe đạp thể thao Biên Hòa
Với những con người đam mê thể thao cùng tinh thần đoàn kết
Chúng tôi đã đến với Hà Giang
Để vượt qua những khó khăn, chiến thắng những đèo những dốc
Chỉ cần nhìn vào những cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn
Lòng tôi lại tràn đầy cảm xúc và niềm đam mê
Được vượt qua những con đèo, con dốc
Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ và nhiệt huyết hơn
Không gian xanh, rừng núi tuyệt đẹp
Làm tôi liên tưởng đến thiên đường nơi hạ giới
Cảm giác vui sướng như cơn gió thoảng qua
Và tôi cảm thấy mình thật sự đang sống
Hà Giang, đây là nơi tuyệt vời
Nơi tôi đã vượt qua mọi thử thách
Chúng tôi, những người bạn đồng hành
Cùng nhau chinh phục những ngọn đèo, con dốc
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ ngày anh chị em Hội xe đạp thể thao Biên Hòa hoàn thành chinh phục cung đường Đông Bắc đẩy thử thách nhưng chắc hẳn rằng trong lòng mỗi người tham gia vào chuyến đi ấy vẫn còn in rõ những kỷ niệm tuyệt vời về chuyến đi và nó là 1 hành trình có thể không bao giờ quên trong mỗi người. Có thể nói, đây là hành trình gian khó nhất từ trước đến nay của toàn bộ anh chị em tham gia kể cả với những người trước đó đã tham gia chinh phục cung đường Tây Bắc huyền thoại với tam đại đỉnh đèo vì cung đường này nó có đặc thù riêng mà các vùng khác không thể có được.
Nếu ai đó đã từng nghe đến tên các con dốc, con đèo như dốc Bắc Sum, dốc Cán Tỷ, dốc Thẩm Mã, dốc 9 khoanh, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, đèo 15 tầng… mà chưa từng đặt chân đến trên chiến mã xế độp thân thương của mình thì hẳn là 1 điều thiếu sót và nếu có thể thì nên cố gắng thực hiện 1 lần để có được sự trải nghiệm và chinh phục bản thân mình cũng như được hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ nhưng cũng đầy khắc nghiệt. Nếu để so sánh mức độ khó khăn và sự phức tạp thì cung đường này có thể nói là khó khăn hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với việc chinh phục các khu vực Tây Bắc mà anh em Hội Biên Hòa đã có cơ hội đi qua, có chăng thì chỉ có cung đường từ Nghĩa Lộ chinh phục đèo Khau Phạ về Mù Căng Chải là phần nào đó có nét tương đồng nhưng cũng không khó bằng. Nói như vậy để anh chị em thấy rằng cung đường lần này anh em Biên Hòa chinh phục là không hề đơn giản.
Thực sự là trước chuyến đi mình đã có sự thu xếp hậu cần khá chu đáo thông qua các anh em bạn bè ngoài Bắc, kỹ hơn hẳn các chuyến đi trước đó do đã lường trước được sự khó khăn của đường đi, thành phần thành viên tham gia khá đa dạng, khác nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm và đặc biệt là khả năng đạp và chinh phục đèo dốc. Mọi việc phải tính toán làm sao đó cho sát giờ giấc, đảm bảo khả năng vận chuyển và chuyên chở, chỗ ăn nghỉ, tham quan….và quan trọng là không ai bị rớt dọc đường mà không có phương án hỗ trợ. Đây thực sự là áp lực lớn và có những thay đổi đã phải thực hiện ở phút thứ 90 do sự cố khách quan. Tuy vậy, vượt lên trên tất cả, hầu như toàn bộ kế hoạch đã được thực hiện 1 cách trọn vẹn và thành công như kỳ vọng.
Đúng 19g00 ngày 13/04/2023 đoàn xuất phát đi sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 00g20p, may mắn là không bị delay hay chậm trễ phút nào. Cũng giống như các lần trước, toàn bộ quá trình làm thủ tục gửi hành lý, lấy vé của Hội đều được diễn ra nhanh chóng với sự hỗ trợ nhiệt tình của bộ phận phục vụ tại Sân bay và không có bất kỳ trở ngại nào, có lẽ 1 phần cho anh em đã quen và chủ động hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình này. Khi đoàn thu xếp và nhận xong hành lý tại Nội Bài thì ngoài trời đang đổ mưa dù không lớn lắm, báo hiệu 1 chặng đường khá khó khăn phía trước mà đoàn phải vượt qua. Trong suốt hành trình từ Nội Bài qua Thái Nguyên để lên Hà Giang thì thời tiết đều như thế làm cho anh em lo lắng về 1 hành trình dưới mưa có thể có. Cũng giống như các tour trước đó, toàn bộ anh chị em phải tranh thủ chợp mắt trong hành trình di chuyển để đảm bảo rằng sáng sớm sau khi đến Thành phố Hà Giang sẽ ăn sáng và tiến hành di chuyển đến địa điểm hạ xe và đạp luôn mà không có thời gian nghỉ nghơi. Có lẽ hành trình của Hội xe đạp Biên Hòa là hơi khó nhằn, đòi hỏi sức chịu đựng khá lớn của toàn bộ thành viên tham gia vì quỹ thời gian của chuyến đi là khá hạn hẹp nên không thể thu xếp thời gian nghỉ hồi sức được. Bản thân mình là người không có bất cứ 1 phút nào chợp mắt kể từ lúc xuống sân bay cho đến khi đến gần thành phố Hà Giang vào lúc 6g30 sáng vì phải lo ngồi nói chuyện với tài xế để tránh buồn ngủ và ôm vô lăng xe bán tải chạy từ Thái Nguyên về Hà Giang, giờ nghĩ lại vẫn thấy sức chịu đựng của cả đoàn là khá tốt.
Sau hành trình di chuyển hơn 270km từ sân bay, đoàn đến cột mốc số 0 tại Thành phố Hà Giang lúc 7g25p để tiến hành check in, chụp hình và ăn sáng. Tại đây đoàn được thưởng thức món bánh cuốn và xôi ruốc đặc trưng của vùng mà các nơi khác không làm như vậy nhưng thấy ai ăn cũng ngon miệng và ăn nhiều. Có lẽ 1 phần do đói vì phải di chuyển cả đêm hôm đó. Cũng may là ăn xong thì không ai gặp sự cố gì về tiêu hóa nên đã đảm bảo sức khỏe cho chặng chinh phục đèo, dốc sau đó. Các chủ tiệm ăn, cà phê khi thấy đoàn từ miền Nam ra thì họ tiếp đón khá xởi lởi và cởi mở, thể hiện tinh thần hiếu khách của vùng đất nơi này.
Sau khi check in, ăn sáng xong thì đoàn tiếp tục hành trình đi lên khu vực cổng trời Quản Bạ cách đó 60km để lên địa điểm hạ và ráp xe và bắt đầu thực hiện hành trình chinh phục cung đường. Mọi việc được tiến hành khá trôi chảy, đoàn xuất phát đi Đồng Văn lúc 11g15p. Việc phải ngồi máy bay và ô tô gần 12 tiếng liên tục cho đến khi được đạp xe quả thật là 1 điều gì đó khá phấn khích dù có hơi mệt mỏi. Đặc biệt ngay sau khi lên xe thì đoàn đã được hưởng 1 con dốc đổ kéo dài tầm 4km, ai đó cũng lao như chưa từng được đổ dốc cho dù có đôi chút nguy hiểm vì đường cua hơi gắt, coi như 1 cú khởi động không thể tốt hơn về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng, sự thực khó khăn nó nằm ở phía sau con dốc đó ngay sau khi đoàn đi hết thị trấn Tam Sơn của Quản Bạ để vào khu vực Cán Tỵ và leo lên dốc có cây nghiến cô đơn. Trên hành trình đạp lên khu vực cây nghiến cô đơn, đoàn có gặp 1 đoàn các em học sinh dân tộc đi bộ đi học về và đứa nào đứa đó còm nhom, nhỏ xíu nếu so với độ tuổi của các em học sinh ở thành phố, quả thực đời sống của người dân đồng bào dân tộc ít người nơi đây còn quá nhiều khó khăn. Đến được gốc nghiến cô đơn sau khi đã phải vượt qua vài km dốc chồng dốc 10%+ thì cảnh tượng bên dưới mới thật đẹp. Con đường phía dưới cũng dẫn đến Thị trấn Yên Minh (như con đường trên cây nghiến cô đơn nhưng nó dài hơn hẳn 20km do phải đi đường vòng qua rừng thông và tránh các con dốc phía trên này) nhìn như dải lụa vắt ngang qua 2 hẻm núi thật nhỏ bé. Nếu ai chọn đường dài mà ít dốc hơn thì có thể chọn đường phía dưới còn nếu ai muốn tận hưởng và cảm nhận sự hùng vỹ thì đi đường phía trên và cả 2 đường sẽ gặp nhau tại Yên Minh.
Vượt qua khỏi khu vực cây nghiến cô đơn thì đoàn sẽ phải chiến đấu với con dốc Cán Tỷ, một trong các con dốc ghê ghớm nhất tại khu vực miền Đông Bắc với chiều dài toàn bộ dốc gần 10km và phải chạy vòng quanh mấy quả núi với các dốc thẳng dựng đứng 14% đến 16%. Có thể nói, bên cạnh dốc Bắc Sum thì Dốc Cán Tỷ là con dốc bào mòn sức lực nhiều nhất của những ai chinh phục mảnh đất này bằng xe đạp. Không nói gì xe đạp, xe tải muốn lên dốc này thì chỉ có cách đi số 1 và bò từng bước 1, thậm chí là chạy còn chậm hơn xe đạp. Anh chị em Biên Hòa được cái cũng chịu khó luyện dốc nên đa phần vượt qua dốc này khá êm dù tốc độ đi dốc chỉ 4 đến 5km/h. Có 1 điều đặc biệt là chị Thủy, người mà lần đầu tham gia tour cùng Hội nhưng xui lại đi ngay cung xương xẩu nhất, mặc dù thể lực không phải là dồi dào gì do cũng mới tham gia tập nặng cùng anh em nhưng cũng đã cố gắng nỗ lực hết sức để có thể vượt qua con dốc này 1 cách xuất sắc. Chẳng biết sức mạnh nào đã thúc đẩy nhưng có lẽ do không muốn bỏ lỡ 1 dịp hiếm có để vượt qua chính bản thân mình nên ai ai cũng cố gắng. Khi đã lên đến lưng chừng dốc (cách đỉnh dốc tầm gần 2km) thì đoàn tới trạm dừng dân dốc Cán Tỷ do 1 anh bạn người Mông đầu tư để nghỉ ngơi, dừng chân. Hút vào tầm mắt nhìn từ trên trạm dừng chân là 1 vùng rộng lớn phía dưới là đoạn đường dốc mà anh chị em mới vượt qua. Chỉ khi đứng ở đây bạn mới thấy được sự hùng vỹ của con dốc này và cảm nhận được công sức mà anh em đã bỏ ra là lớn biết chừng nào. Các bạn Tây lông cũng tập trung nghỉ chân tại đây khá đông, khi thấy anh em Biên Hòa đến bằng xe đạp thì ai nấy cũng đều thể hiện ánh mắt rất khâm phục, có người còn lao vào bắt chuyện hỏi thâm rất ân cần. Tình cảm này đoàn còn được đón nhất suốt chặng đường mà đoàn đạp qua, bất cứ đoàn khách nào đi bằng honda khi thấy đoàn đều cổ vũ, động viên rất nhiệt tình và điều đó cho anh chị em thấy rằng mình đang làm điều gì đó rất lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm.
Sau khi nghỉ ngơi thì đoàn lại tiếp tục lên đường để đến điểm dừng chân Ngán Chải để ăn trưa. Nếu con dốc ở phía trước trạm dừng chân là thử thách bước đầu thì con dốc khoảng 2km phía sau trạm dừng chân sẽ là địa điểm đánh gục những ai không có đủ ý chí và thể lực trước khi có thể đến được trạm nghỉ trưa. Cũng may mắn là mặc dù trong đoàn cũng có anh em thấy hơi đuối nhưng ai cũng đều có thể vượt qua để đến điểm ăn trưa vào lúc 14g30 (hơi trễ so với dự kiến là 1g30p).
Sau khi nghỉ và ăn trưa, 15g45 đoàn tiếp tục xuất phát đi chinh phục dốc Thẩm Mã, con dốc cao thứ 2 trong ngày nằm ở độ cao 1300. Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt hơn vào buổi chiều do đã được nghỉ ngơi và trời bớt nắng nhưng không, đây mới chính là đoạn đường mà nhiều thành viên bị chuột rút nhất, nhiều người phải nghỉ lại giữa đường trước khi tiếp tục hành trình chinh phục con dốc tuyệt đẹp này. Trước khi lên được đỉnh dốc thông qua 5 khúc cua ngoặt liên tục thì bạn phải chiến đấu với con dốc đứng dài tầm 3km với độ dốc 12%+. Dọc con đường dốc này bạn sẽ thấy được hòn núi đôi tuyệt đẹp trước mặt, hang động xuyên núi và vác đá trắng dựng đứng. Khi đã đến gần khu vực 5 khúc cua ngặt liên tục, vài thành viên trong đoàn đã bị sập nguồn và buộc phải dắt bộ xe lên những khúc cua đó để lên được đến đỉnh dốc. Bản thân mình đến đỉnh dốc cũng đã 17g40p vì phải đi chốt đoàn ở phía dưới (nghe đâu mấy anh đi đầu đến đỉnh dốc trước 30p và có thời gian chụp hình, tán dóc ) và những anh em lên sau cùng, do phải dắt bộ lên dốc, tầm 17g50p. Cả đoàn được phóng tầm mắt về phía xa, nhìn lại sự hùng vỹ của con dốc mới thấy thật nhẹ nhõm và như lạc vào chốn thiên đường bởi cảnh đẹp quá tuyệt vời nơi đây (có thể nói là đẹp nhất trên cả cung đường lần này). Trên đỉnh dốc có vài hàng bán nước, bán dược liệu, sản phẩm của người dân tộc Mông. Bên cạnh đó thì cũng có những bé gái mang gùi gùi những cành hoa cải vàng để du khách thuê chụp hình (10K/ 1 người) hoặc những cậu bé thổi khèn Mông giúp vui cho khách (cũng 10K nếu có yêu cầu thổi khèn, không có gì miễn phí cả).
Sau khi chụp hình xong thì cũng đã gần 18g và trời nhá nhem tối. Nhìn lên con dốc phía trước (lại dốc và dốc) chạy thẳng lên đỉnh núi với độ cao nhìn bằng mắt cũng khá gờm cộng thêm quãng đường còn lại để tới Đồng Văn tầm 30km. Nếu dựa vào tốc độ đạp trước đó thì đoàn cần ít nhất 3 tiếng đạp liên tục để đến homestay tức là phải 9g khuya mới về đến nơi. Bắt đầu có những tiếng bàn ra bàn vô là đóng xe cho hết lên xe 29 chỗ và chở về chỗ nghỉ để đảm bảo thời gian và sức khỏe còn tiếp tục chinh phục ngày hôm sau.
Thực sự đến thời điểm này thì đoàn đã có gần 24 tiếng hoạt động có thể nói là hầu như không được ngủ nên ai cũng đã khá mệt mỏi tuy nhiên nếu làm như vậy thì lại quá tiếc cho chặng đường còn lại vì mỗi lần đi là mỗi lần khó vì vậy mình đã động viên anh em cố gắng hoàn thành quãng đường còn lại cho trọn vẹn. Rốt cuộc thì mọi người cũng quyết tâm cùng nhau đi tiếp ngoại trừ 1 số trường hợp đặc biệt khách quan. Ngay sau khi tiếp tục thì đoàn phải leo tiếp con dốc dài tầm 2.5km với độ cao 10%+ để đến khu vực thung lũng khá bằng phẳng đó là khu vực Phố Cáo – Đồng Văn. Đây chính là đoạn đường anh em được thư giãn nhất trong suốt hành trình (tầm 5km). Những bản nhạc truyền thống cũng được bật lên với mục đích kích thích tinh thần của anh em (lúc này chị em đã lên xe hết) để phần nào giảm bớt sự mệt mỏi. Sau khi qua khỏi Phố Cáo thì đoàn bắt đầu vào khu vực dốc 9 khoanh và trời thì đã tối không còn nhìn rõ đường đi. Nhóm anh em khỏe thì vẫn phăng phăng leo lên phía trước, nhóm còn lại gồm có Hùng, anh Khanh, Khánh, anh Nam vẫn cần mẫn cày từng con dốc trên tổng số 9 con dốc cao liên tục. Mặc dù dọc đường có người rớt lại nhưng cuối cùng thì cũng vẫn nỗ lực hết sức để có thể bám theo anh em.
Khi chuẩn bị lên hết khoanh dốc thứ 7 thì anh em có lẽ đã quá mệt, tất cả dừng lại giữa dốc để xem có nên đi tiếp hay là lên xe về nơi nghỉ. Thực sự lúc đó mình lên cũng gần cuối và hiểu chuyện gì đang xảy ra tại nhóm này nên không có dừng lại mà tiếp tục đạp lên 2 con dốc còn lại, để anh em phía dưới chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, với mục đích là kích tinh thần anh em. Leo được 1 khoanh dốc và gần khoanh hết dốc thứ 2 thì mình đổ xuống lại để anh em biết rằng, phía trước mình vẫn còn đi được, cần phải cố gắng thêm. Thú thực là không biết có phải do tình huống này hay không nhưng sau đó anh em lại tiếp tục lên đường để chiến đấu khoảng 20km còn lại trong bóng tối mịt mù và dốc cao liên tục. Có 1 điều là trước khi đi tour mình có xài track của 1 nhóm khác và nắm được độ cao của khu vực này là khoảng 1.350m nhưng anh em đã leo đến 1.450m rồi mà vẫn còn dốc lên nên cũng hơi lo cho anh em. Sau khi dừng lại hỏi thăm người dân địa phương và xem lại bản đồ thì đỉnh dốc cũng còn cách không bao xa và nhóm anh em đi đầu đã đang chờ trên đỉnh dốc. Tuy vậy đến đây là phát sinh tiếp chuyện đạp tiếp hay dừng vì còn gần 20km để về đến nhà, nếu theo tốc độ di chuyển từ sáng thì cần tầm 2 tiếng mới về đến tức là dự kiến 22g khuay sẽ có mặt tại Đồng Văn và quyết định cuối cùng được đưa ra là tiếp tục đạp, không đầu hàng. May mắn là sau khúc dốc 9 khoanh này thì đường có dốc nhưng là dốc có vay có trả nên tốc độ được đẩy lên khá cao. Có những đoạn thả dốc anh em đẩy tốc độ và bám theo nhau chạy với mục đích mau chóng về được homestay vì đã khá trễ. Nghĩ lại khúc này cũng thấy hơi liều liều 1 xíu vì đường đi tối thui, có những đoạn đường xấu nhưng trên tất cả là tất cả đã vượt qua 1 cách nhẹ nhàng.
Khi mà bạn đang ở 1 nơi tối thui và bạn nhìn thấy ánh đèn điện phía xa xa thì cái cảm giác nó rất phấn khích, tức là bạn đang ở rất gần nơi cần đến rồi, lúc đó sẽ đạp xe với 1 tư tưởng rất khác, rất phấn chấn để mau về đích. Khi đoàn về đến bảng cổng chào Thị trấn Đồng Văn cũng chưa hẵn bạn đã về đến nơi vì tại đây bạn còn được khuyến mãi thêm con dốc 2 tầng với độ cao và dài khá khủng trước khi được hưởng cảm giá thả dốc về đích. Anh em về đến nơi ở cũng tầm 21g30 sau đó nhận phòng, tắm rửa vệ sinh cá nhân và ăn tối. Đây là bữa tối ngon nhất trong suốt chuyến đi vì ai cũng đói và mệt sau suốt 10 tiếng đạp xe liên tục, sức lực bị bào mòn gần hết.
Tiếp tục chuyến hành trình ngày thứ 2 với điểm đến đầu tiên là cột cờ Lũng Cú, nơi cách Đồng Văn 26km. Đây tiếp tục lại là 1 cung đường đầy thử thách với chiều đi là đạp lên dốc là đa số, dốc thả có nhưng ít hơn. Do đã có kỹ năng đi dốc ngày đầu + thể lực phần nào hồi phục sau 1 đêm ngon giấc thì đoàn đã chinh phục được đỉnh ngọn cờ Lũng Cú trong khoảng 3 tiếng. Cung đường này là cung đường Biên Giới sát với Trung Quốc nên biển báo biên giới được cắm khắp nơi, chỉ vài bước là bạn đã bước chân qua bên nước bạn rồi và dân cư sinh sống tai đây khá thưa thớt. Đường từ chân cột cờ lên đỉnh cột cờ khá gắt vì đi bao quanh 1 ngọn núi, đường rất nhỏ, cua gắt liên tục nhưng tất cả anh chị em đạp xe đều hoàn thành tốt việc chinh phục cột cờ này. Khi bạn được đứng trên đỉnh cột cờ và phóng tầm mắt về 4 phía thì mới thấy là Hà Giang chẳng có gì ngoài núi và núi, dù cho quá hùng vỹ nhưng thực sự lại quá khắc nghiệt với người dân tại đây vì không có đất đủ để làm nông nghiệp như những nơi khác.
Sau khi dùng cơm trưa tại chân cột cờ, anh em tiếp tục hành trình quay về Đồng Văn để đi vào Mèo Vạc trong đó có con đèo Mã Phì Lèng nổi danh. Do lần này mình chọn tuyến từ Đồng Văn về Mèo Vạc nên không phải tập trung sức lực leo con đèo này nhưng với những gì đã trải qua ngày hôm trước và buổi sáng trước đó thì việc leo con đèo này cũng không phải là điều gì đó quá khó khăn. Việc đổ đèo cũng mang lại cảm giác rất phấn khích với cảnh đẹp 2 bên đèo khác biệt hoàn toàn với những nơi đã đi qua trước đó. Mọi người đã có thời gian để chụp những tấm hình lưu niệm tuyệt đẹp bên nhà hàng Panorama, hẻm tu sản, sông Nho Quế, đánh dấu 1 vùng đất đã đi qua. Riêng mình với anh Chu Thanh còn được khuyến mãi thêm con dốc vào mõm đá tử thần, một con dốc cũng đã trở thành huyền thoại với đường đi khá khó nhằn, ai yếu tim sẽ không dám đạp xe vào. Cả đoàn về đến nơi ở cũng hơn 7 giờ tối sau đó lo đóng xe vào thùng, vệ sinh cá nhân trước khi quay lại Thị trấn Mèo Vạc để thưởng thức bữa ăn tối như phần thưởng cho 2 ngày gian khổ.
Thời tiết buổi tối tại Mèo Vạc thật dễ chịu với nhiệt độ tầm 21 độ C và cả đoàn đã có 1 đêm thực sự thoải mái sau 2 ngày cày ải liên tục.
Tiếp tục hành trình ngày thứ 3 với việc ngắm ánh bình minh về trên thị trấn Mèo Vạc, ăn sáng và cà phê trước khi xuất phát đi tham quan ngọn đèo 15 tầng nổi tiếng Khau Cốc Chà. Đường từ Mèo Vạc sang Bảo Lạc – Cao Bằng cũng toàn núi và núi cheo leo, dốc đứng liên tục, quanh co. Mặc dù quãng đường chỉ hơn 90km từ Mèo Vạc sang nhưng cả đoàn đã mất hơn 3 tiếng đi bằng ô tô mới có thể đặt chân đến. Đúng là không uống phí công sức và sự quyết tâm của cả đoàn, đường từ Bảo Lạc vào đèo Khau Cốc Chà lại có 1 đặc thù riêng đó là đường bám theo vách núi cheo leo, dốc liền dốc. Những ai đi xe gắn máy nếu đi đường này mà tay lái không cứng và không kèm theo 1 chút liều thì chắc cũng không dám đi vì nó quá hiểm trở. Phần thưởng xứng đáng cho những ai có dịp đi chuyến này đó là chiêm ngưỡng con đèo có thể gọi là đẹp và cheo leo nhất ở Việt Nam. Có 1 điều đáng tiếc là do đầu gối có vấn đề nên mình không thể leo lên mỏm đá để chụp hình cùng anh chị em mà ở lại bay flycam để ghi lại cảnh đẹp nơi này và phụ chuẩn bị bữa trưa cho cả đoàn tại đỉnh đèo.
Sau khi dùng cơm trưa, 13g đoàn xuất phát về Hà Nội với quãng đường còn lại khoảng 300km. Với địa hình bình thường thì bạn sẽ mất tầm 5 tiếng để về đến nơi nhưng đi ở đây thì lại là điều hoàn toàn khác. Tất cả cung đường đoàn đi về Hà Nội đều là địa hình núi quanh núi, dốc chồng dốc, quanh co khúc khuỷa. Chính bác tài xế cũng thừa nhận chưa 1 lần được đi đến con đèo và khu vực này nên đường đi cũng không chắc lắm có ổn hay không. Chỉ đến khi đến địa phận Tĩnh Túc cách Hà Nội 160km thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Phải nó đây chính là quãng thời gian chạy đua với thời gian đúng nghĩa bởi nếu không sẽ bị trễ chuyến bay và phải đổi chuyến sẽ kéo theo biết bao phiền phức. Mình lần đầu tiên ôm xe ô tô chạy cung này từ 7g30 sáng đến 7g30 tối và may mắn là sau bao nỗ lực hết mức có thể thì cả đoàn đến sân bay lúc 19g30, vừa kịp cửa làm thủ tục cuối của chuyến bay chuẩn bị đóng cửa.
Còn còn rất nhiều kỷ niệm của chuyến đi này, không đủ để kế hết trong bài viết này. Chuyến đi này đã thành công như trong kế hoạch đề ra và mọi việc diễn ra an toàn, không có bất kỳ sai sót nào xảy ra. Hi vọng 1 ngày không xa sẽ có cơ hội quay lại vùng đất này thêm lần nữa để khám phá tiếp những nơi mà lần này mình không đủ thời gian để đi đến.