Nhà lao Tân Hiệp – còn có tên gọi là “Trung tâm cải huấn” do chính quyền Mỹ – ngụy sử dụng để giam giữ những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước và các người chống chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Khu di tích này hiện nay tọa lạc trên đường Nguyễn Ái Quốc (Quốc lộ I trước đây), thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa.
Tiền thân của nhà lao này là Trại tù binh chiến tranh do Thực dân Pháp xây dựng. Nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Đến giữa năm 1955, trại tù binh chiến tranh Tân Hiệp được Mỹ-ngụy cải tạo mở rộng thành một trong những nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam. Nhà lao Tân Hiệp Biên Hòa có 7 trại giam được bao bọc bởi hai lớp dây kẽm gai dày và một hệ thống tháp canh kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại. Các trại giam giam chiến sĩ cách mạng, đảng viên và đồng bào yêu nước được quản lý và đối xử hà khắc hơn các trại khác.
Tại nhà lao Tân Hiệp, số người bị chính quyền Sài Gòn bắt giam gần 1.000 người; trong đó có hàng trăm chiến sĩ cách mạng, đảng viên cộng sản. Địch dùng nhục hình tra tấn và cả thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc để lung lay ý chí, kêu gọi những người theo cách mạng ly khai, phản bội lý tưởng. Trước tình hình trên, số cán bộ, đảng viên trong nhà tù bí mật thành lập tổ chức Đảng để sinh hoạt và chuẩn bị thời cơ thuận lợi phá khám để trở về tiếp tục chiến đấu. Sau một thời gian điều nghiên kỹ và chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức Đảng trong nhà giam đã bí mật thành lập Đội xung kích khoảng làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy. Theo kế hoạch, thời cơ nổi dậy phá khám sẽ bắt đầu vào chiều ngày thứ bảy (01/12/1956), nhưng do điều kiện khách quan nên Đảng ủy nhà tù thay đổi giờ vượt ngục vào 17 giờ 45 phút chiều hôm sau (tức chủ nhật ngày 02/12/1956).
Vào lúc 17 giờ 40 phút chiều ngày 02/12/1956, lực lượng xung kích đều đã áp sát mục tiêu được phân công theo kế hoạch phá khám và bảo đảm được bí mật. Khi tên lính trực đánh hồi kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô xung phong vang dội lên sau ám hiệu, các đội xung kích chia thành các mũi đồng loạt đánh vào các mục tiêu.
Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 02 tháng 12 năm 1956, đã giải thoát được 462 cán bộ, đảng viên về với cách mạng, trong đó có nhiều nhân sĩ yêu nước. Lực lượng phá khám thu được hơn 40 khẩu súng các loại và đây là nguồn vũ khí quí báu bổ sung cho phong trào cách mạng tại địa phương sau này. Đây là cuộc nổi dậy phá khám quy mô và giành được thắng lợi trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ – ngụy của cách mạng miền Nam, tại Biên Hoà khi bị địch khủng bố nghiêm trọng.
Di tích Nhà lao Tân Hiệp được xếp hạng cấp quốc theo quyết định số 2754/ QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin ngày 15 tháng 10 năm 1994.
Tìm hiểu thêm về di tích nhà lao Tân Hiệp:
Google map: https://goo.gl/maps/Loa34Ym6HbmgSdEw6