Di tích lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức ở phường Trung Dũng

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc tại khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Giữa khu dân cư. Người dân địa phương quen gọi là “Lăng Ông“. Muốn đến di tích, có thể đi từ hẻm 39 – trước đây gọi là hẻm “đường rầy”. Trong thời gian vừa qua, thành phố Biên Hòa chỉnh trang đô thị,  cạnh hồ nước công viên Biên Hùng đã hình thành con đường chạy qua phía trước di tích Lăng mộ với tên gọi đường Trịnh Hoài Đức.

Trước khi được trùng tu, tôn tạo năm 1998 (nhân dịp kỷ niệm vùng đất Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển), khu mộ Trịnh Hoài Đức nằm khuất trong khu đông dân cư. Hiện nay, mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc trên chu vi đất rộng với cảnh quan được tôn tạo mới, khang trang.

Kiến trúc mộ ban đầu được bảo tồn. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, hình voi phục, xung quanh có vòng thành kiên cố. Phía sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng thành dạng hình bầu dục lượn sóng. Trên bức tường có khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi đức tài của Trịnh Hoài Đức nhưng lâu ngày bị mờ, không còn đọc được, hai bên trang trí hình hai đầu rồng cách điệu. Hiện nay, trên bức tường rộng này được trang trí hình rồng vờn mây. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức.

Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện  nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức. Trong vòng thành là thành tố chính của kiến trúc, gồm hai phần mộ: một của Trịnh Hoài Đức và một của chánh thất phu nhân, người họ Lê.

Cấu kết mộ giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dang chân quỳ. Nội dung các bia ở hai phần mộ Trịnh Hoài Đức nêu vắn tắt các danh, chức, phẩm hàm mà Trịnh Hoài Đức được ban tặng, cùng người vợ của Ông; đồng thời có ghi cụ thể thời gian là tháng 11 năm Ất Dậu, con cái là Trinh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên Nhiên Bảo, Trịnh Thiên Bảo cùng lập bia.

Trường Viễn Đông Bác cổ đã liệt mộ Trịnh Hoài Đức là di tích vào năm 1938. Ngày 27 tháng 12 năm 1990, Bộ Văn hoá- Thông tin –Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1539/QĐ xếp hạng mộ Trịnh Hoài Đức là di tích lịch sử danh nhân.

Tìm hiều thêm về khu di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức: https://thanhcobienhoa.com/tong-hop/di-tich-lang-mo-trinh-hoai-duc
Tìm hiểu về danh nhân Trịnh Hoài Đức: https://thuvienlichsu.com/nhan-vat/trinh-hoai-duc-287/
Google map: https://goo.gl/maps/xFgoqbMSYhcCrMRv9