Hành trình chinh phục núi Dinh Vũng Tàu dẫu chỉ là một đoạn đường mòn nhưng lại đẹp và thú vị vô cùng. Đẹp bởi sự thanh tịnh, an yên; thú vị nhờ nét bí ẩn nép mình sâu bên trong những tán cây xanh mơn mởn. Nhiều người đến đây chỉ đơn thuần vì những thanh âm thư giãn của tiếng suối… Nhưng cũng có người còn muốn khám phá lối kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa nổi tiếng, muốn một lần vào lạy tượng Phật 10 tấn có một không hai. Vậy hãy cùng Hội xe đạp thể thao Biên Hòa bóc tách vẻ đẹp hài hòa đến từ sự an yên, thanh bình và khép kín, bí ẩn của núi Dinh Vũng Tàu nhé.
Làm quen với núi Dinh Bà Rịa – Vũng Tàu
*Địa chỉ: Núi Dinh – một cô gái hướng nội, yêu biển – chọn cất mình lên độ cao 500m tại huyện Tân Thành (nay là TX Phú Mỹ) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Bà Rịa 13 km và trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 35km, cách thành phố Biên Hòa chừng 75 km. Có thể thấy quãng đường tìm đến địa điểm này không quá xa nên luôn được các biker đặc biệt ưu ái vào mỗi cuối tuần hay các dịp lễ ngắn ngày.
Núi Dinh: Điểm đến siêu ngầu cho lần đầu đạp xe
*Ngoại hình: Núi Dinh được ôm ấp bởi rừng cây bạt ngàn nên sở hữu một “bộ nhận diện” xanh mơn mởn trong mắt của những vị khách ghé chơi. Nhiều khe suối nhỏ xinh đua nhau chảy róc rách mang lại một cảm giác cực kỳ thư giãn khi bạn đặt chân đến nơi này.
Bộ nhận diện kì bí là một đặc trưng khó phai của núi Dinh trong lòng phượt thủ
*Lý lịch: Núi Dinh xưa nay còn được biết đến là một khu di tích lịch sử Cách mạng ghi dấu những hồi phiêu lưu, những chiến tích anh hùng mà cha ông ta đạt được trong các cuộc chiến tranh chống đế quốc. Có lẽ vì vậy mà ngay từ cái tên, bạn đã có thể cảm nhận được từng nhịp thở và tinh thần từ các cuộc điều binh của trưởng cơ Yên Thành Hầu từ tỉnh Phú Yên về Bà Rịa – Vũng Tàu, khi chọn ngọn núi này làm nơi đóng quân để xây dựng dinh trại. Có thể nói, núi Dinh như một chứng nhân lịch sử lưu lại những thước phim hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến cứu nước
Thời điểm thích hợp để “cưa đổ” núi Dinh Bà Rịa – Vũng Tàu
Có thể nói “núi Dinh mỗi mùa một vẻ, mười phân vẹn mười”, mùa nào cũng có những đặc sắc riêng. Vì núi Dinh đem lòng yêu biển nên hay đón những ngày mưa ngày gió, thậm chí là giông bão vào đầu tháng 6 đến tầm cuối năm. Dù vậy nhưng chẳng thể vì một ngày âm u mà bỏ lỡ đi nhiều ngày nắng… Do đó, để hành trình được mượt mà, suôn sẻ và tránh những nguy hiểm khi đạp xe, bạn nên xem trước dự báo thời tiết nhé. Đặc biệt, khi nắng ấm, bạn có thể chiêm ngưỡng được độ trong vắt của những khe suối nơi đây… Ý trời như cũng muốn ủng hộ các phượt thủ khám phá cả địa danh đẹp nghiêng nước nghiêng thành – Suối Tiên – Suối Đá.
Vũng Tàu nhìn từ xa đẹp động lòng người, bảo sao núi Dinh chẳng đem lòng thầm thương trộm nhớ
Còn nếu bạn đang thắc mắc về thời gian leo núi trong ngày thì theo kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu, có đến 90% phượt thủ đều muốn ngắm bình minh trên núi Dinh thay vì hoàng hôn nhé. Các bạn có biết lý do không? Bởi hoàng hôn dù đẹp, lại không cần phải dậy sớm nhưng chiều muộn chạy về cực lắm các bác ạ. Cứ như đua marathon với Mặt trời ấy, lỡ đua không kịp, Mặt trời đi ngủ thì căng. À! nhắc nhẹ các bạn khi leo núi, đừng quên mang theo chiếc máy ảnh xịn xò “chạy bằng cơm” để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của núi Dinh, Vũng Tàu và cả chính mình đó nha
Hướng dẫn cách “chinh phục” núi Dinh
Núi Dinh chẳng phải là một bánh bèo đỏng đảnh nên bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe đạp đến điểm hẹn. Tuy nhiên để buổi hẹn hò có nhiều trải nghiệm thú vị hơn, có thể tạt ngang chỗ này một chút, chỗ kia 30 phút thì xe máy là phương án được hầu hết các phượt thủ chọn lựa. Dưới dây là tuyến đường gợi ý cho bạn:
Khởi hành từ Biên Hòa đi hướng ngã ba Long Sơn nhìn bảng chỉ dẫn để xuôi về thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến quốc lộ 51, bạn chỉ cần đi mãi đến khi bắt gặp Giáo Xứ Chu Hải, tại đây để mắt về phía bên trái sẽ thấy biển hướng dẫn đường lên núi Dinh. Giờ thì đơn giản rồi, bạn chỉ việc đi theo biển chỉ dẫn thôi. Đọc bản đồ còn được thì mấy biển báo siêu nhỏ tí nè!
Đoạn đường chinh phục núi Dinh cũng là một địa điểm check-in hot rần rần Hội xe đạp thể thao Biên Hòa.
Cảnh báo nhẹ nhàng: Hành trình chinh phục một cô gái càng về sau sẽ càng trắc trở và núi Dinh cũng vậy. Càng vào sâu, đường càng nhỏ hẹp dần vì thế nên bạn phải rời xa “con ngựa chiến” của mình và độc hành trên con đường chinh phục núi Dinh rồi. Lúc này đừng quên đồ đạc, nước uống, thanh năng lượng cho chuyến đi trên xe nhé! Sẽ mất vui đấy.
Hành trình chinh phục núi Dinh dẫu chỉ là một đoạn đường mòn nhưng lại đẹp vô cùng. Đẹp bởi sự thanh tịnh, an yên nơi cửa Phật, nơi những nặng trĩu của mỗi người như được trút bỏ khi nghe tiếng chuông Chùa… Nhiều người đến đây không chỉ đơn thuần vì những trải nghiệm sinh thái mà họ còn muốn khám phá lối kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa nổi tiếng – vốn được xem là biểu tượng văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Cùng làm một nháy với vị thần cứu nguy cho những khúc cua – gương cầu lồi trên đường chinh phục núi Dinh
Đỉnh La Bàn tại núi Dinh
Đỉnh La Bàn là danh xưng thời nay của Sân Bay Trực Thăng quân đội Mỹ ngày xưa. Chỉ cần nghe qua cái tên bạn đã có thể hình dung ra một tảng đá lớn, bằng phẳng ngự trên đỉnh núi Dinh, cách mặt đất đâu chừng 500m. Muốn lên đỉnh La Bàn thuận lợi, bạn nên “thu phục” thổ địa vùng để được hộ tống cho an tâm, bởi đường lên đây khá khó đi, cây cối lại um tùm và không có nhiều biển chỉ dẫn.
Cận cảnh đỉnh La Bàn trên núi Dinh Vũng Tàu
Nếu đã nhiều rào cản như vậy thì tại sao lại còn gợi ý bạn tham quan nơi này? Vì đỉnh La Bàn là nơi cắm trại lý tưởng, nơi bạn có thể ngắm Mặt trời thức dậy, chờ Mặt trời tan ca và dĩ nhiên còn có thể chiêm ngưỡng cả “crush” của núi Dinh – thành phố biển Vũng Tàu nhiều tòa cao ốc nữa! Cảm giác được cất mình lên cao, rời xa những thị phi nơi phồn hoa kia… vác được cái xe đạp lên tới đây cảm giác thật thoải mái, thật là yomost.
Suối Tiên – Suối Đá ở núi Dinh
Suối Tiên – Suối Đá là hai điểm đầu – cuối của dòng nước chảy dọc sườn núi Dinh, là hai điểm không thể bỏ lỡ khi bạn quyết định xách ba lô chinh phục đỉnh núi này. Đây là khẳng định chắc nịch của thổ địa luôn đó. Không giống đỉnh La Bàn, đường đi ra suối rất dễ, cực kỳ an toàn nên chẳng lo trơn trượt té ngã đâu. Tuy nhiên, tinh thần cẩn thận vẫn phải thường trực nhé!
Đoạn nước trong vắt nơi Suối Tiên – Suối Đá trên núi Dinh, lên tới đây mà ngâm mình xuống dòng nước này thì bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến hết.
Biển chỉ dẫn hướng lên chùa Hang Mai
Khung cảnh gây đắm đuối lòng người khi dừng chân ghé lại Suối Tiên – Suối Đá
Chùa Hang Mai trên núi Dinh
Chùa Hang Mai suốt 30 năm nay đón đưa không biết bao nhiêu Phật tử từ khắp mọi miền Tổ quốc ghé thăm để có cơ hội vào lạy Tam Thế Phật cũng như chiêm ngưỡng bức tượng Phật nặng hơn 10 tấn độc đáo và có 1-0-2 tại Việt Nam này.
Nakata Lan – thành viên Hội xe đạp thể thao Biên Hòa chinh phục đường lên chùa Hang Mai.
Đường đến chùa Hang Mai may thay cũng tiện đường đến Đỉnh La Bàn nhưng càng đi sâu đường càng trắc trở. Đạp lên tới đây mà không phải dắt xe là cũng thuộc top những siêu nhân rồi đó. Nhưng đừng lo, phải có trầm có bổng, cứ khó dễ luân phiên thì cuộc chơi hay cuộc đời mới vui được. Nói vậy chứ các bạn chú ý nhé đoạn cuối khoảng 500m trước khi rẽ vào chùa đường sẽ rất dốc, dốc đứng tầm 60,70 độ.
Không gian bên trong chùa Hang Mai như một ngôi nhà cổ
Chùa Tây Phương – ngôi chùa lâu đời nhất núi Dinh
Đây là nơi cư ngụ của rất nhiều loài khỉ. Sau thử thách dốc đứng tại chùa Hang Mai, bạn sẽ được nhận được phần thưởng từ núi Dinh: Khoảnh khắc quan sát hàng trăm chú khỉ sống quanh chùa. Mà đâu chỉ vậy, bạn còn có thể thoải mái cho chúng ăn. Nhưng nhớ nhé, bảo quản đồ đạc, tư trang cẩn thận, chúng nó tinh nghịch lắm đấy!
Để đến được chùa Tây Phương, bạn có 02 lựa chọn. Nếu đi từ hướng quốc lộ 51 xuống Bà Rịa, bạn sẽ quẹo trái khi xuất hiện biển chỉ dẫn vào núi Dinh và cứ đi theo chỉ dẫn thôi là mình đã tới chùa rồi, siêu dễ đi và thoải mái đối với dân trekking nhưng đối với xe đạp thì cũng khá phê đó. Còn nếu bạn muốn nếm chút cam go bằng việc trải nghiệm trekking thì có thể bước từng bậc cầu thang từ chùa Hang Mai xuống chùa Tây Phương, đoạn đường này chỉ tầm 2km nhé!
Bỏ túi kinh nghiệm li ti khác cho bạn khi chinh phục núi Dinh
Đoàn nên có hướng dẫn viên, dân bản địa hoặc ít nhất là những người đã từng có kinh nghiệm leo núi. Tốt nhất là nên đi theo team, hỗ trợ thay nhau kéo, sẽ rất khỏe.
– Hãy chuẩn bị trang phục phù hợp cũng như những vật dụng thiết yếu khi leo núi như bao tay, nón bảo hiểm…. Nhớ là đồ thiết yếu thôi nha, mang nhiều nặng, leo không nổi xuống dắt bộ à, í quên mang ít đồ cũng dắt bộ như thường nha.
– Phải có hộp sơ cứu y tế, phải có hộp sơ cứu y tế, phải có hộp sơ y tế! Điều quan trọng nhắc lại 3 lần.
– Đừng quên bôi kem chống côn trùng để bảo vệ bản thân khỏi các bé sinh vật tí hon.
– Nước, thanh năng lượng và đồ ăn thì nên chuẩn bị trước ở nhà để đảm bảo vệ sinh và hơn cả thì ở núi Dinh quán xá không nhiều.
– Dốc cao quá thì xuống dắt bộ đừng có cố nha, chuột rút là tự đi xe “heo” về đó hí hí…
– Đi đâu, làm gì cũng vậy, hãy là một người tham gia du lịch văn minh. Đừng để lại nơi này bất kỳ một đồ vật gì ngoài dấu chân và những lời hứa trở lại của bạn nhé!
Xuống núi
Sau khi chinh phục xong cung đường núi Dinh, xuống núi mới là cảm giác sướng nhất. Bạn chỉ cần lên xe nhấp nhấp (thắng) và tận hưởng cảm giác. Những khúc cua quanh co rợp bóng mát tạo cảm giác rất phấn khích … Nhưng bạn hãy giữ làn đường và kiểm soát tốc độ nhé bởi đường khá hẹp và độ dốc lớn có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Xuống chân núi, bạn đi thẳng qua ngã 4 đoạn đường khoảng 500m rẽ phải để tận hưởng bữa trưa nạp lại năng lượng trước khi khởi hành về Biên Hòa. Ở đây có quán chuyên về Thỏ, rất ngon và hấp dẫn.
Chúc các bạn có một chuyến đi trải nghiệm thành công, vui vẻ.