Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn có tên gọi là đình Bình Kính, tồn tại hơn ba thế kỷ ở vùng đất Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Đình tọa lạc trên diện tích đất rộng, đường Đặng Đại Độ, bên tả của nhánh sông ôm trọn Cù lao Phố, dưới chân cầu Ghềnh, mặt tiền nhìn về hướng Đồng Nai, phía Tây Nam.

Nguyên thủy của di tích là đình thờ thành hoàng bổn cảnh của người dân làng Bình Kính. Ban đầu, ngôi đền nhỏ, được làm từ vách ván, mái lợp ngói âm dương. Sử sách có ghi chép về di tích với tên gọi là đền Lễ Công như sau: “… ở phía Nam Cù lao Phố, thôn Bình Hoành, huyện Phước Chính, thờ khai quốc công thần Tráng hoàn hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Đền trông ra sông Phước Giang, lấy đá ngầm làm thủy thành, dưới có cá chép lạ, lớn 6,7 thước, cứ đêm khuya tĩnh mịch, thường hướng vào đền, quãy nhảy dưới sông bơi lội ngược xuôi, như hình múa lạy. Sau qua loạn Tây Sơn, hương tàn khói lạnh. Đến đời trung hưng, cấp cho 10 người từ phu, hàng năm cho tiền công tế vào mùa xuân, cầu đảo thường linh ứng; năm Tự Đức thứ tư, quan tỉnh tâu rằng đền lâu ngày mục nát, lại bị nước xói, phụng mệnh cấp cho 400 quan tiền giao dân sở tại mua vật liệu, dựng lại đền ở sau cách 10 trượng…”. Tư liệu cho thấy, thời bấy giờ đền Lễ Công có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Biên Hòa – Đồng Nai.

Kiến trúc ban đầu của đền không còn lưu giữ được do sự hủy hoại của tự nhiên. Năm 1851, đền được xây lại và cách vị trí cũ khoảng 400 mét. Di tích trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tồn theo dạng chữ Đinh “J”. Từ ngoài vào theo lối chính có ba cửa. Hai bên cửa có khắc chìm hàng chữ Hán với nội dung nói về đền thờ Bình Kính, công lao của Nguyễn Hữu Cảnh với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Chánh điện hình vuông, tường gạch, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói. Hàng cột hành lang mặt trước đắp trang trí hình ảnh những con rồng cuộn, đối chầu với nhau. Nội điện có ba hàng cột gỗ lớn treo những liễn đối và các hoành phi, bao lam gỗ được chạm trổ tinh tế các đề tài dân gian. Các hoành phi thể hiện dưới dạng đại tự chữ Hán, liễn đối được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng.

Đối tượng thờ chính là Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Gian  giữa chánh điện thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Một góc bên bàn thờ có tủ kiếng giữ bộ áo mão tương truyền là của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh thuở sinh thời. Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc từ chất liệu gỗ là các bàn hương án trong chánh điện. Các hương án được chạm khắc nhiều đề tài như rồng chầu, linh thú, muông thú, hoa lá…rất tinh tế, sắc sảo làm tăng thêm tính chất nghệ thuật được bảo tồn của ngôi đình làng. Phía sau chánh điện là khu nhà khách, nhà bếp và nhà kho.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong số ít những di tích ở Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ tên họ, chức tước vinh hiển, thứ bậc Thượng đẳng thần của vua ban phong cho Nguyễn Hữu Cảnh. Hằng năm, tại đình tổ chức lễ hội vào ngày 16,17 tháng 5 và ngày 11 tháng 11 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao, đức trọng của vị khai quốc công thần, có công lớn với cả xứ Nam Bộ. Di tích đình Bình Kính được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 457 – QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch ngày 25 tháng 3 năm 1991.

Tìm hiểu về Nguyễn Hữu Cảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hữu_Cảnh

Google map: https://goo.gl/maps/uerHaE7QXQzKD18A8