Di tích Thành cổ Biên Hòa

Theo một số tư liệu, chúng ta biết rằng, cổ thành Biên Hòa được bắt đầu xây đắp bằng đất vào tháng 6 năm 1834 với ”4 mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa. Đào hào rộng 2 trượng, sâu sáu thước”. Quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chịu trách nhiệm trong việc trù tính việc làm. Vua Minh Mạng đồng ý cho việc chọn lấy 1.000 dân trong hạt đứng ra xây đắp, số dân làm thành được hậu cấp cho tiền gạo.

Từ sau ”sự kiện khởi binh“ Lê Văn Khôi, 3 năm sau, vua Minh Mạng thấy việc xây thành Biên Hòa “là công trình trọng đại”, chuẩn cho  xây thành Biên Hòa và sai phái trách nhiệm cho nhiều vị tướng quân.

Đợt  xây dựng này được tiến hành vào tháng Giêng năm 1938 có quy mô lớn bằng đá ong với:”chu vi dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 thước, hào đào rộng 3 trượng, cửa thành có  4 cửa”. Vua Minh Mạng sai phát 4.000 binh dân làm việc và phái Vệ úy Vệ tả bảo nhị là Nguyễn Văn Gia, Thự phó Vệ úy Tiền doanh Long Võ là Phan Văn Lăng, Vệ úy Tả thủy Gia Định là Lê Văn Tự, Vệ úy Bình Thuận là Tôn Thất Mậu trông coi việc thực hiện.

Ngoài ra còn có một số tư  liệu khác cũng nhắc đến thành Biên Hòa với một số chi tiết khác như: có dựng 1 kỳ đài, mỗi cửa ra vào đều có bắc cầu đá ngang qua hào để làm lối ra vào, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, tường thành dày trượng.

Nếu lấy theo chuẩn thước đo “quan mộc xích“, thước này dài 0m424 thời Lê nhưng vẫn được dùng trong thời vua Minh Mạng thì các thông số về thành cổ Biên Hòa được quy đổi 1 trượng bằng 4m 24,1 thước bằng 0m424 thì chu vi 338m (khoảng 1.433,12m), tường cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,604m), dày 1 trượng (khoảng 4,24m), hào rộng 4 trượng (khoảng 16,96 m), sâu 6 thước (khoảng 2,544 m).

Về tên gọi, cổ thành Biên Hòa có nhiều tên gọi theo cách dân gian như: thành Cựu, thành Kèn, thành Xăng đá. Tên gọi thành Kèn, thành Xăng Đá gắn với thời Pháp xâm lược, chiếm lấy thành làm nới tập trung quân lính. Cổ thành Biên Hòa là một công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn ở vùng đất Biên Hòa. Hệ thống bố phòng ở Biên Hòa lúc bấy giờ còn có các trạm, lũy, tấn, đồn thủ tại các nơi xung yếu.

Ngoài chức năng của một trung tâm các hoạt động nhiều mặt của xã hội đương thời, cổ thành Biên Hòa đóng góp rất quan trọng trong việc bố phòng, trấn an vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Dấu tích cổ thành Biên Hoà ngày nay còn lại những vách tường thành bằng đá ong tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hoà. Những dấu tích còn lại của Thành cổ Biên Hòa được tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử theo quyết định số 876 /QĐ – UBND ngày 21 tháng 3  năm  2008.

Google map: https://goo.gl/maps/B5n6XcWazagQLREVA