Mũ bảo hiểm là món trang bị đồng hành với những chiếc xe. Và thật sự thì dù công nghệ sản xuất ngày càng tiên tiến thì vẫn còn đó những nhược điểm của mũ bảo hiểm chưa giải quyết được. Mình là một người đã sử dụng qua khá nhiều các dòng xe moto và sau đó là xe moto địa hình, và cũng biết đến nhiều vụ tai nạn mà chiếc mũ bảo hiểm phát huy vai trò của nó. Nhưng khi thực thế thì mới thấy là cái mũ bảo hiểm sẽ giúp đầu chúng ta ít bị tác động chứ không phải là hoàn toàn không bị tác động khi xảy ra sự cố.
Bắt đầu với một vài câu chuyện mà mình tận mắt chứng kiến. Trong hội xe cào cào của mình thì mọi người đều trang bị tận răng với những trang thiết bị chuyên dụng cho bộ môn này. Vì môn xe cào cào là một bộ môn vô cùng nguy hiểm. Và khi những cái nón bảo hiểm mới ra đời thì tụi mình cũng gom góp tiền để mua về sử dụng thử. Đến một ngày nọ thì một anh trong nhóm mua về một cái nón Suomy có giá hơn 1000$, và đặc trưng của cái nón này là siêu nhẹ. Sau đó thì một vài anh trong nhóm cũng mua cái nón này về vì một cái nón nhẹ luôn kích thích những người chơi bộ môn xe địa hình. Chuyện chẳng có gì để nói nếu như 2 vụ tai nạn liên tiếp, hai người bạn sử dụng nón này đập đầu xuống đất như mọi khi, nhưng họ lại bị mất trí nhớ tạm thời trong khảong thời gian ngắn, và chuyện này chưa từng xảy ra với những cái nón nặng kia.
Vậy lý do gì khiến điều này xảy ra? Mình và mọi người đã lột cái nón này và cái nón bình thường ra và thấy rằng lớp mút của nón Suomy rất mỏng, ngoài lớp mút cứng ra thì nó hoàn toàn không có lớp giảm chấn như những cái nón bình thường khác. Và nón Soumy là cái nón được những tay đua ưa thích sử dụng. Chắc chắn cũng đã được qua kiểm tra rất đầy đủ về độ an toàn. Điều mà bọn mình nghĩ đó là với cái nón Soumy này, để được trọng lượng nhẹ thì phải chấp nhận sự thật đó là não sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi chấn động xảy ra.
Quay trở lại với bài viết này, công nghệ MIPS là một công nghệ mới được phát triển từ năm 2011 và đã được áp dụng cho một số loại nón xe địa hình và nón xe đạp bán ra thị trường. Công nghệ này cho phép trượt giữa đầu và nón, điều này giúp cho não ít bị tác động hơn là va đập thẳng. Công nghệ dành cho xe thì càng ngày càng cải tiến nhưng công nghệ dành cho nón thì lại ít có đột phá. Một cái nón luôn cấu thành từ lớp cứng, lớp giảm chấn, và lớp lót, và kiểu nón như hiện tại đã được phát minh từ thế kỷ trước.
Mời các bạn xe qua video này để hiểu về MIPS:
MIPS viết tắt của Multi-directional Impact Protection System, dịch nôm na là Hệ thống chống tác động đa chiều. Hệ thống này sẽ làm giảm tác động do lực xoay tác động lên não. Khi tai nạn xảy ra, điều chắc chắn là lực va đập xuống bề mặt không theo phương ngang mà sẽ theo các phương có góc khác nhau, và với công nghệ MIPS này thì cho phép đầu và nón ít ma sát hơn và sẽ bị trượt khi xảy ra va đập. Sự trượt này sẽ làm lệch đi hướng của lực tác động, từ đó sẽ giúp não ít bị tổn thương hơn với nón bảo hiểm bình thường.